QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN HIỆP VƯƠNG QUỐC ANH VÀ BẮC AI-LEN:
1. Quan hệ chính trị:
Việt Nam và Anh thiết lập
quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Tuy nhiên quan hệ hai
nước chỉ thực sự phát triển tốt từ giữa thập kỷ 90. Hiện nay, quan hệ
Việt-Anh có thể nói đang phát triển khá rộng trên nhiều lĩnh vực chính
trị, kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng… Anh đã ký với Việt Nam hầu
hết các hiệp định kinh tế khung; trở thành một trong những nhà tài trợ
ODA hàng đầu cho Việt Nam; ủng hộ Việt nam tăng cường quan hệ với EU và
ứng cử ghế Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ khoá 2008-09.
Chuyến thăm chính thức
Vương quốc Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5/2004 và của Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tháng 3/2005 đánh dấu một mốc phát triển
quan trọng trong quan hệ hai nước.
Trong những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, chủ yếu là:
- Phía Việt Nam : Thủ
tướng Võ Văn Kiệt (1993); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1994); Thủ
tướng Phan Văn Khải dự ASEM-2 và thăm Anh (1998); Phó Thủ tướng Vũ Khoan
(2003); Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (2003; các Bộ trưởng Kế
hoạch Đầu tư, Nội vụ, Giáo dục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bí thư
thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, nhiều Thứ trưởng, Chủ
tịch tỉnh và thành phố của Việt Nam đã thăm Anh. Gần đây nhất là chuyến
thăm chính thức của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5/2004 theo lời
mời của Nữ hoàng Anh, và của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tháng
3/2005 theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Anh.
- Phía Anh: Công chúa
Anne (1995 và 2002), Công tước Xứ York - Hoàng tử Andrew (1999 và 2006);
Phó Thủ tướng John Prescott (2001 và 2004); Ngoại trưởng Anh (1995 và
1997); các Bộ trưởng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Tài chính, Hợp tác
phát triển, Thương mại, Giáo dục; Uỷ ban Hợp tác phát triển Hạ viện; Thị
trưởng Khu Tài chính London.
2. Quan hệ kinh tế:
a. Thương mại:
Quan hệ thương mại Việt
Nam - Anh tăng nhanh từ những năm 90 đến nay. Chính sách thương mại của
Anh tương đối cởi mở, không theo chủ nghĩa bảo hộ. Trong các vấn đề
tranh chấp thương mại giữa ta và EU như một số vụ EU kiện ta bán phá
giá, hay vụ hải sản Việt Nam nhiễm kháng thể, Anh thường có lập trường
ủng hộ Việt Nam.
Trong 5 năm qua, xuất
khẩu của Việt Nam sang Anh tăng từ 18 - 25%/năm, ta liên tục xuất siêu.
Những mặt hàng xuất chủ yếu : giày dép (53%), dệt may (12%), chè và cà
phê (8%), gạo (8%), thuỷ sản (3%), cao su… Những mặt hàng nhập khẩu chủ
yếu từ Anh: hàng gia công chế biến và thiết bị công nghiệp (38%), hoá
chất (21%), thiết bị viễn thông (6%), thuốc lá (3%)…
Riêng năm 2006, xuất khẩu
của Việt Nam sang Anh tăng 12,5%, đạt khoảng 1,45 tỷ USD. Việt Nam nhập
khẩu từ Anh khoảng 170 triệu USD, tăng 17%.
Hiện Anh có 138 văn
phòng đại diện thương mại thường trú và chi nhánh thương nhân tại Việt
Nam. Các văn phòng này nhìn chung hoạt động tốt. Anh lập Cộng đồng các
Nhà doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) năm 1998 nhằm thúc đẩy quan hệ
kinh tế với Việt Nam và các hoạt động từ thiện tại Việt Nam
b. Đầu tư:
Các công ty Anh vào Việt
Nam sớm (1988-89) nhưng thời gian đầu chủ yếu tập trung vào dầu khí (70%
tổng đầu tư). Nay đầu tư của Anh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới như
ngân hang tài chính, công nghiệp chế tạo, may mặc... Nhìn chung các dự
án đầu tư của Anh có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực: dầu
khí (5 dự án chiếm 61,3% tổng vốn đầu tư của Anh), công nghiệp nặng (6
dự án chiếm 29,2% tổng vốn đầu tư), công nghiệp nhẹ (8 dự án, chiếm 3%
tổng vốn đầu tư), tài chính ngân hàng, bảo hiểm, may mặc, công nghiệp
chế tạo…
Tính đến tháng 6/2006,
Vương quốc Anh có 70 dự án đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là
1,272 tỷ đô la, đứng thứ 12/61 trong số các nước và vùng lãnh thổ và
đứng thứ 3 trong các nước EU, sau Pháp và Hà Lan (theo con số của Anh là
2,2 tỷ USD do tính cả các công ty Anh đầu tư từ Hông Kông,
Singapore...).
Các công ty lớn có mặt
tại Việt Nam: Công ty dầu khí BP-Amoco liên doanh với Statoil (Na Uy),
Công ty Petro Vietnam trong Dự án Đường dẫn khí đốt và tiêu thụ khí đốt
Nam Côn Sơn, Tập đoàn vận tải P&O, Graig Shipping, Shell, BAT,
GlaxoSmithKline, Tate & Lyle, Uniliver, Coats, ICI, Finley Tea,
Castrol, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered Bank. Gần đây một số quỹ
tài chính đầu tư lớn tại Việt Nam như Dragon Capital (200 triệu USD),
Prudential (500 triệu USD).
Công ty bảo hiểm nhân thọ
Prudential có mặt tại Việt Nam từ 1994, chính thức họat động theo giấy
phép đầu tư 100% vốn nước ngoài ngày 29/10/1999; thuê trên 5.000 lao
động; bán bảo hiểm nhân thọ cho trên 200.000 người, dẫn đầu các công ty
bảo hiểm nước ngoài hiện có mặt tại ta; doanh thu trên 1000 tỷ VNĐ năm
2001; là dự án đầu tư thành công nhất của Anh tại Việt Nam.
c. Hợp tác phát triển:
Năm 1992, Chính phủ Anh
bắt đầu nối lại viện trợ cho Việt Nam. Từ 2001, viện trợ của Anh dành
cho Việt Nam tăng nhanh rõ rệt do 2 nguyên nhân chính: thứ nhất, chính
phủ Công đảng ưu tiên hợp tác phát triển và xây dựng một chính sách hỗ
trợ đối với các nước đang phát triển, lập ra Bộ Hợp tác phát triển Quốc
tế (DFID – Department for International Development) chuyên trách viện
trợ phát triển thay vì để Bộ Ngoại giao quản lý như trước đây; thứ hai,
Việt Nam với chính sách xóa đói giảm nghèo đúng đắn đã tạo dựng được uy
tín đối với các nhà tại trợ quốc tế, do đó thu hút được sự chú ý của
chính phủ Anh. Một số dự án tài trợ của Anh tại Việt Nam đã rất thành
công và được Anh coi là “tấm gương điển hình” cho các dự án tài trợ. Anh
thành lập văn phòng đại diện của DFID tại Hà Nội từ năm 1999 để trực
tiếp quản lý viện trợ phát triển tại Việt Nam.
Nhờ những yếu tố trên,
Anh đã tăng đáng kể mức tài trợ cho Việt Nam và trở thành một trong
những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam: viện trợ của Anh giai đoạn
2002-04 tăng từ 20 triệu bảng Anh năm 2002 (tương đương 35 triệu USD lên
tới 40,5 triệu bảng Anh năm 2004 (tương đương 60 triệu USD). Tại chuyến
thăm Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2004, Anh cam kết tăng
mức viện trợ cho Việt Nam 55 triệu bảng Anh năm 2005 (tương đương 90
triệu USD). Ngoài ra Anh cam kết thay Việt Nam trả nợ Ngân hàng thế giới
100 triệu USD (bằng 10% tổng nợ của Việt Nam trong giai đoạn 2005-2015.
Anh dự định dành cho Việt Nam 250 triệu bảng ( khoảng 442 triệu USD)
cho giai đoạn 2006-2010.
Viện trợ của Anh có những đặc điểm sau:
- chủ yếu là không hoàn lại. Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam về viện trợ không hoàn lại.
- tập trung vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về hội nhập quốc tế.
- chính sách viện trợ của
Anh khá linh hoạt, dành cho nước nhận viện trợ quyền quyết định sử
dụng nguồn viện trợ vào các mục tiêu ưu tiên của mình. Năm 2005 Anh tham
gia thí điểm chương trình 135 (dự án xóa đói giảm nghèo của chính phủ
Việt Nam), rót thẳng 10 triệu bảng Anh vào ngân sách nhà nước Việt Nam,
để Việt Nam toàn quyền điều tiết theo mục tiêu đề ra của chính phủ.
d. Quan hệ văn hoá – giáo dục:
Trong những năm qua, hợp
tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phát triển tích
cực. Hàng năm, Anh dành từ 25-30 suất học bổng cho học sinh Việt Nam.
Số người Việt Nam nhận học bổng của Chính phủ Anh cho đến nay là trên
600. Số còn lại là sinh viên tự túc. Hiện có khoảng 5000 sinh viên Việt
Nam đang theo học tại các trường Đại học của Anh quốc.
Hội đồng Anh (BC) có mặt
tại Việt Nam từ cuối 1993, có trụ sở ở Hà Nội và TP HCM. Đến nay BC đã
tổ chức các lớp bổ túc tiếng Anh miễn phí cho trên 1.000 cán bộ của ta,
trong đó có hơn 40 cán bộ cấp Thứ trưởng và tương đương. Ngoài ra,
thông qua Hội đồng Anh, Chính phủ Anh đã giúp Việt Nam đào tạo tiếng Anh
và cung cấp nhiều học bổng ngắn hạn cho đội ngũ công chức của Việt Nam.
Từ 1994 đến nay đã có khoảng 20 chương trình liên kết đại học Việt
Nam-Anh. Hiện Đại học East Anglia đã được cấp giấy phép mở Văn phòng đại
diện tại Hà Nội, Đại học Webminster liên kết với Đại học Bách khoa Hà
Nội đang xin mở Văn phòng đại diện. Đại sứ quán Anh đã tổ chức 3 triển
lãm giáo dục sau đại học của Anh ở Việt Nam.
e. Quan hệ an ninh - quốc phòng:
Tháng 9/1996, Anh cử tuỳ
viên quân sự đầu tiên kiêm nhiệm Việt Nam (thường trú tại Kuala
Lumpur-Malaisia). Từ năm 1996 đến nay, hai bên đã trao đổi một số đoàn
quân sự. Về phía Việt Nam thăm Anh có Thứ trưởng Quốc phòng (9/2001 và
9/2003), Phó Tư lệnh các Quân chủng phòng không-không quân, hải quân
(1996, 1998,1999); Phó Tổng Tham mưu trưởng (2004). Phía Anh sang thăm
ta có Học viện nghiên cứu quốc phòng (1999, 2001, 2003), Tham mưu trưởng
Lục quân Anh (3/2004, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh. Từ 1999-2004,
Anh đã 5 lần cử tàu Hải quân ghé thăm TP HCM. Hai bên ký 6 hợp đồng cung
cấp thiết bị quang điện tử, thép hợp kim đóng tàu v.v…, tổng giá trị
khoảng 2 triệu USD năm 2003. Anh giúp chương trình đào tạo tiếng Anh cho
Bộ Quốc phòng và đào tạo sỹ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ
hòa bình của Liên hiệp Quốc.
Về an ninh, Bộ Nội vụ Anh và Bộ
Công An Việt Nam thường xuyên trao đổi các đoàn thăm viếng ở cấp Bộ
trưởng và các đoàn cán bộ cấp cao. Về phía Anh có Quốc vụ khanh Bộ Nội
vụ Des Browne (nay giữ chức Bộ trưỏng Quốc phòng Anh) thăm Việt Nam. Hai
bên hợp tác trao đổi thông tin trong lĩnh vực phòng chống taội phạm,
chống khủng bố. Phía Anh đánh giá cao hợp tác của Việt Nam trong vấn đề
nhận lại người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Anh giúp chương trình đào
tạo tiếng Anh cho cán bộ Bộ Công An.
f. Quan hệ lãnh sự - du lịch:
Trong 5 năm qua, trung
bình mỗi năm có khoảng 25.000 khách du lịch Anh vào Việt Nam. Năm 2005,
tổng số khách du lịch vào Việt Nam là 70.000 người. Số lượng người Việt
Nam sinh sống tại Anh khoảng 35.000 người, nhìn chung sống hoà nhập, ổn
định.
Năm 2003, Việt Nam và Anh
đã giải quyết xong vấn đề 4 tài sản ngoại giao của ĐSQ Anh trước đây
tại Thành phố HCM. Hiện Chính phủ Anh đã bàn giao các tài sản trên cho
ta với giá 2,2 triệu USD.
Theo yêu cầu của Việt
Nam, Chính phủ Anh đã quyết định miễn thị thực quá cảnh cho cán bộ của
Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
Việt Nam đã kí bản ghi
nhớ về các vấn đề di cư với Anh tháng 11/2004 với mục đích tăng cường
hợp tác song phương chống nhập cư bất hợp pháp, khuyến khích nhập cư hợp
pháp.
Hiện hai bên đang triển khai đàm phán Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù./. (Tháng 6/2007).